Tổng quan Buôn Đôn

Lượt xem:

Đọc bài viết

  1. Vị trí địa lý hành chính

Huyện Buôn Đôn nằm ở phía tây tỉnh Đắk Lắk. Diện tích 1.410,14 Km2, dân số 65.891 người. Có tọa độ địa lý: Từ 12040′ – 1305′ vĩ độ bắc, từ 107029′ – 108002′ kinh độ đông.

Phía đông giáp huyện Cư M’gar và thành phố Buôn Ma Thuột..

Phía tây giáp Campuchia.

Phía nam giáp huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông.

Phía bắc giáp huyện Ea Súp.

Là huyện có đường biên giới chung với Campuchia dài 38,3km. Có Quốc lộ 14C dài 36km chạy dọc theo biên giới hai nước Việt Nam, Campuchia.

Huyện Buôn Đôn có 7 xã với 90 thôn, buôn (trong đó có 21 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ).

Các xã của huyện Buôn Đôn là Krông Na, Ea Huar, Ea Wer, Tân Hòa, Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Nuôl.

  1. Lịch sử hình thành

Huyện Buôn Đôn được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Ea Súp và một phần từ thành phố Buôn Ma Thuột từ ngày 17/10/1995 trên cơ sở địa danh Buôn Đôn trước đây, vốn một thời là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk. Sau này, để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế’ – xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột, nơi có vị trí trung tâm của toàn Tây Nguyên.

Buôn Đôn là tên mới đặt, khi thành lập huyện mới, còn Bản Đôn là theo tên gọi của tiếng Lào ngày xưa (người Lào chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là “Làng Đảo” nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrêpôk. Đây là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa. Khi ấy, người Lào trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này và ở lại cùng người Êđê bản địa xây dựng lên một ngôi làng trù phú. Nơi đây, vốn nổi tiếng với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng, với huyền thoại về Vua Voi Khunjunop, người đã bắt được và thuần dưỡng hơn 170 con voi rừng, trong đó có 1 con bạch tượng tặng vua Xiêm và Vua Voi chính là danh hiệu vua Xiêm ban cho ông. Bản sắc văn hóa dân tộc và những huyền thoại về voi đã biến Bản Đôn trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất của du lịch Đắk Lắk, một nơi không thể không đến khi đến Đắk Lắk.

  1. Đặc điểm Văn hóa – Xã hội

Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, môi dân tộc có những nét văn hóa riêng, có nhiều lễ hội đặc sắc như: hội cồng chiêng, lễ ăn trâu mừng mùa, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc tại chô, ngoài ra còn lưu giữ một số nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc phía bắc như: hội ném còn, cồng chiêng…

Một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này là lễ hội đua voi thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm ở huyện Buôn Đôn. Giữa nắng gió của trời Tây Nguyên vào tháng 3, không gì sôi động và hào hứng bằng việc tận mắt chứng kiến và thỏa thích reo hò cổ vũ cho voi chạy đua. Thời gian gần đây, được sự đầu tư của tỉnh, hội đua voi được tổ chức quy mô, đều đặn hơn, vừa nhằm mục đích tôn vinh tinh thần thượng võ của các dân tộc Tây Nguyên, vừa bảo tồn văn hóa bản địa và thu hút khách du lịch.

Sức thu hút của Buôn Đôn chính là vẻ đẹp của thiên nhiên, nơi đây du khách bị cuốn hút với cảm xúc lạ lẫm, ngẩn ngơ trước vẻ đẹp huyền thoại của dòng sông chảy ngược Sêrêpôk, trước khung cảnh lãng mạn và nên thơ của dòng thác Bảy Nhánh, trước sự nguyên sơ, rộng lớn của Vườn quốc gia Yok Don với hệ sinh thái phong phú và hệ động thực vật đa dạng.Trạng thái tròng trành khi tản bộ trên những nhịp cầu treo giữa núi rừng hay rung cảm trước vẻ đẹp cổ kính của ngôi nhà sàn cổ được xây dựng cách đây hơn 120 năm với lối kiến trúc độc đáo. Buôn Đôn còn có những lễ hội độc đáo, những đặc sản hấp dẫn với cơm lam gà nướng tỏa hương, ché rượu cần thơm nồng nàn, giao lưu văn hóa cồng chiêng với người dân tộc thiểu số tại chỗ sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị giúp cho du khách đạt đến cảm xúc thăng hoa tột đỉnh mỗi khi đến Buôn Đôn tươi đẹp.

Không phải ngẫu nhiên mà Buôn Đôn lại được mệnh danh là điểm du lịch hàng đầu tại Tây Nguyên. Điều thú vị nhất về địa điểm này có lẽ là những hoạt động trải nghiệm thu hút mọi du khách.